Thị trường Forex và những cảnh báo về những rủi ro khi tham gia thị trường Forex tại Việt Nam

Bởi seotoplist

Thị trường Forex và những cảnh báo nhắc nhở về những rủi ro đáng tiếc khi tham gia thị trường Forex tại Nước Ta

Với sự phát triển của công nghệ, thị trường giao dịch ngoại hối (Forex) trên thế giới hiện nay cho phép các tổ chức, cá nhân được quyền tham gia vào mạng lưới giao dịch toàn cầu này thông qua một chủ thể trung gian, đó là các nhà môi giới hay sàn Forex…
 

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
 

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện nay, chỉ cho phép các ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài được kinh doanh ngoại hối tại Việt Nam. Theo đó, ngoài các tổ chức trên, kinh doanh ngoại hối là một lĩnh vực chưa được pháp luật cho phép và tại Việt Nam cũng chưa được phép mở các sàn Forex. Do vậy, việc người dân đầu tư vào lĩnh vực này là hết sức rủi ro và không được pháp luật bảo vệ. Bài viết về thị trường Forex và diễn biến thị trường Forex tại Việt Nam hiện nay, từ đó đưa ra các cảnh báo về những rủi ro khi tham gia thị trường Forex và một số khuyến nghị.

Thị trường Forex là gì?

Có thể hiểu, thị trường Forex là nơi mua, bán, trao đổi tiền tệ quốc tế, ở đó, các nhà kinh doanh tiến hành mua, bán ngoại hối để kiếm lời, trong đó chủ yếu là trao đổi, mua, bán ngoại tệ và các phương tiện thanh toán quốc tế.

Bất kể ở đâu diễn ra việc mua, bán các đồng tiền khác nhau thì ở đó được gọi là thị trường Forex. Thị trường Forex là thị trường phi tập trung toàn cầu, các nhà giao dịch và bên tham gia thị trường thực hiện hợp đồng dưới dạng điện tử theo phương thức ngoài sàn (Over the counter – OTC).

Các chủ thể tham gia thị trường ngoại hối là: (i) Các ngân hàng (trong đó, ngân hàng trung ương đóng vai trò là tổ chức kiểm soát, điều hành và ổn định hoạt động của thị trường; các ngân hàng thương mại tham gia với tư cách thực hiện các nghiệp vụ kinh doanh ngoại hối cho ngân hàng nhằm đảm bảo ổn định số dư trên tài khoản và thực hiện các dịch vụ về hối đoái theo sự ủy nhiệm của khách hàng); (ii) Các nhà môi giới, là chủ thể trung gian trong giao dịch hối đoái giữa các ngân hàng, tổ chức, cá nhân với nhau; (iii) Các doanh nghiệp, bao gồm các công ty nội địa và đa quốc gia, chủ yếu là các doanh nghiệp có chức năng xuất nhập khẩu. Các doanh nghiệp này vừa là chủ thể cung ứng, vừa là chủ thể mua ngoại tệ. Đối tượng này chiếm khối lượng mua, bán, trao đổi ngoại tệ lớn trên thị trường ngoại hối; (iv) Các quỹ tiền tệ (quỹ đầu tư, lương hưu, bảo hiểm, phòng hộ…). Mục đích chính của các quỹ này là thu lợi nhuận. Giá trị của các quỹ như vậy thường là khá lớn, vì vậy giao dịch của họ trên thị trường Forex luôn tạo ra các chuyển dịch tiền tệ lớn, tạo nên sự ảnh hưởng rất lớn đến giá trị của một đơn vị tiền tệ; (v) Các cá nhân có nhu cầu mua, bán ngoại tệ nhằm mục đích đầu tư, cho vay hay đi công tác nước ngoài…

Thị trường Forex mang tính toàn cầu và là thị trường có thanh khoản cao nhất trên thế giới với khối lượng giao dịch trung bình ngày là 6,6 nghìn tỷ USD (thống kê năm 2020), trong đó, có đến 80% là các giao dịch đầu cơ với mục đích tìm kiếm lợi nhuận trên chênh lệch tỷ giá. Thị trường này có tính thanh khoản rất cao, các lời mời chào mua, bán ngoại tệ rất sôi động, từ đó, các hợp đồng mua bán được thực hiện dễ dàng, nhanh chóng. Sự tăng trưởng nhanh chóng của thị trường biến nơi này thành nơi lý tưởng của nhiều nhà giao dịch.

Cách thức giao dịch trên thị trường Forex

Các giao dịch trên thị trường Forex là giao dịch mua một ngoại tệ và bán ngoại tệ khác được thực hiện tức thời. Có thể nhận định rằng, giao dịch trên Forex là đầu cơ dựa trên tỷ giá các ngoại tệ.

Mọi giao dịch được thực hiện trên thị trường Forex đều bao gồm việc đồng thời mua vào và bán ra hai đồng tiền. Những đồng tiền này được gọi là “cặp tỷ giá”, bao gồm đồng tiền yết giá và đồng tiền định giá. Giá một cặp ngoại tệ cho biết cần bao nhiêu đơn vị ngoại tệ định giá để mua một đơn vị ngoại tệ cơ bản. Ví dụ, cặp EUR/USD: Nếu nhà đầu tư cho rằng, tỷ giá EUR sẽ tăng so với USD, họ có thể mua vào cặp EUR/USD. Nhà đầu tư sẽ bán ngoại tệ định giá và mua ngoại tệ cơ bản, tức là mua EUR/USD với giá thấp hơn, để sau này bán ra với giá cao hơn. Chênh lệch giá này sẽ là lợi nhuận của nhà đầu tư. Ngược lại, nếu nhà đầu tư cho rằng tỷ giá EUR sẽ giảm so với USD, họ sẽ bán ra EUR/USD. Trong trường hợp này nhà đầu tư sẽ mua USD bằng EUR. Nhưng nếu nhà đầu tư đã mua EUR bằng USD, dự tính rằng tỷ giá EUR sẽ tăng nhưng thực tế USD lại giảm hoặc được củng cố, nhà đầu tư sẽ bị thua lỗ. Giao dịch trên Forex có thể đem lại lợi nhuận lớn, nhưng cũng có thể có các rủi ro liên quan.

Thị trường đầu tư Forex được giao dịch tại khắp nơi trên thế giới với các múi giờ khác nhau, các giao dịch trên thị trường Forex có thể được thực hiện 24 giờ một ngày (đối với các ngày trong tuần), chỉ nghỉ vào 2 ngày cuối tuần.

Trên thị trường Forex có rất nhiều bên tham gia, họ giao dịch với những mục đích khác nhau. Sẽ không chính xác khi cho rằng thực hiện giao dịch trên thị trường Forex chỉ với mục đích kiếm tiền. Mỗi bên tham gia vào thị trường có vai trò riêng, đối lập nhau và như vậy, họ khiến cho thị trường trở nên ổn định.

Hoạt động thị trường Forex tại Việt Nam

Sự hình thành và phát triển của thị trường ngoại hối Việt Nam

Trước năm 1991, nền kinh tế của Việt Nam trong giai đoạn hướng nội, các vấn đề về ngoại thương và ngoại hối đều thông qua Nhà nước. Nhiệm vụ của Ngân hàng Nhà nước là quản lý, ban hành chính sách về tiền tệ và tín dụng. Nhiệm vụ của các ngân hàng thương mại là kinh doanh tiền tệ, tín dụng và chỉ duy nhất ngân hàng thương mại được phép hoạt động và kinh doanh ngoại hối. Sau năm 1991, Nhà nước đã thông qua Ngân hàng Nhà nước để thực hiện thống nhất quản lý ngoại hối. Năm 1994, sự ra đời của thị trường liên ngân hàng đánh dấu bước ngoặt hình thành và phát triển của thị trường ngoại hối Việt Nam theo chuẩn mực quốc tế. Từ năm 2004 đến nay, thị trường Forex tại Việt Nam dần trở nên sôi động hơn. Nhờ sự kết hợp giữa kỹ thuật, hạ tầng và chính sách đã đẩy nhanh sự tiến bộ của thị trường Forex, các giao dịch ngoại hối đầu tiên được thực hiện qua mạng Internet.

Hiện nay, hoạt động kinh doanh ngoại hối tại Việt Nam chịu sự điều chỉnh của các văn bản quy phạm pháp luật sau: Pháp lệnh Ngoại hối số 28/2005/PL-UBTVQH11 ngày 13/12/2005 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Pháp lệnh số 06/2013/PL-UBTVQH13 ngày 18/3/2013 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối; Luật Xử lý vi phạm hành chính; Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng (Nghị định này thay thế Nghị định số 96/2014 /NĐ-CP ngày 17/10/2014 của Chính phủ); Thông tư số 20/2011/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định việc mua, bán ngoại tệ tiền mặt của cá nhân với tổ chức tín dụng được phép. Trong đó, Điều 36 Pháp lệnh Ngoại hối về nguyên tắc kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối quy định: “Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và các tổ chức khác được kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối ở trong nước và nước ngoài sau khi được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chấp thuận bằng văn bản”.

Theo đó, đối với các tổ chức, cá nhân không thuộc đối tượng quy định trong Pháp lệnh Ngoại hối như trên không được phép kinh doanh ngoại hối và không được phép mở các sàn Forex tại Việt Nam.

Thực tế tại Việt Nam

Tuy mọi hành vi kinh doanh ngoại tệ của cá nhân, tổ chức (không thuộc các đối tượng trên) đều là vi phạm pháp luật nhưng trong thời gian qua, thị trường Forex ở Việt Nam khá sôi động. Theo Công an Thành phố Hà Nội, tính đến quý II/2021, tại Việt Nam, có khoảng 300 sàn giao dịch ngoại hối trái phép tồn tại, thu hút nhiều người tham gia đầu tư.

Một số tổ chức lợi dụng lòng tin của người dân để đưa ra các chiêu thức lừa đảo qua sàn Forex, nổi lên trong thời gian qua là tổ chức Lion Group, đầu tư ngoại hối thông qua sàn giao dịch điện tử Fx trading markets. Các thành viên của tổ chức Lion Group giới thiệu là có đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm và xây dựng một cộng đồng gần 40.000 nhà đầu tư tham gia. Người muốn gia nhập Lion Group, gửi tiền đầu tư cho Ban chuyên gia của Lion Group với số tiền tối thiểu là 1.000 USD. Số tiền đầu tư sẽ được Ban chuyên gia giao dịch giúp với cam kết lợi nhuận 0,8 đến 1% mỗi ngày và 20 – 24% hằng tháng. Người tham gia có thể tăng thêm thu nhập thông qua việc phát triển mạng lưới, đội nhóm của riêng mình bằng cách kêu gọi, vận động người khác tham gia (giống hình thức đa cấp). Tổ chức này đã bị Công an thành phố Đà Nẵng triệt phá hồi tháng 02/2021.

Đầu tháng 4/2021, Công an thành phố Hải Phòng đã phát hiện và triệt phá sàn Forex có tên là Hitoption, giao dịch trên không gian mạng, rất nhiều người đầu tư tham gia ở nhiều tỉnh, thành phố trong toàn quốc, trong đó nhiều người đầu tư ở Hải Phòng. Số tiền của những người đầu tư vào sàn Hitoption rất lớn, tổng số dư hiện tại của người đầu tư là hơn 629.000 USD, tương đương 15 tỷ đồng (với khoảng 969 người tham gia).

Trong tháng 5/2021, một loạt sàn Forex lừa đảo đã bị lực lượng công an đánh sập. Một nhóm đối tượng đã lập ra cái gọi là sàn giao dịch vàng, ngoại tệ trái phép Rforex.com để chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng của người tham gia đã bị công an bắt giữ. Các đối tượng cầm đầu cũng đã bị khởi tố về tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Từ năm 2018 đến nay, nhóm trên đã thành lập 4 sàn Forex, 15 website để thực hiện lừa đảo mua bán ngoại tệ và vàng. Hệ thống chân rết đã vươn ra 27 quốc gia, thu hút 12.000 người tham gia.

Thời gian qua, chỉ tính riêng các sàn giao dịch vàng, tiền ảo, ngoại tệ trái phép và nhiều website giống các sàn Forex do Công an Thành phố Hà Nội phối hợp với Công an Thành phố Hồ Chí Minh vừa triệt phá, số tiền người tham gia đã lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Bên cạnh một số sàn Forex bị phát hiện và triệt phá, còn rất nhiều sàn vẫn đang hoạt động ngầm và tiếp tục lừa đảo các tổ chức, cá nhân tham gia để chiếm đoạt tài sản.

Cảnh báo về các cách thức lừa đảo đối với các nhà đầu tư

Những chiêu thức hoạt động của các sàn Forex trái phép tại Việt Nam là phương thức lừa đảo, lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin của người dân để chiếm đoạt tài sản. Các cách thức lừa đảo, lôi kéo các nhà đầu tư tại Việt Nam có thể kể đến như sau:

– Do pháp luật Việt Nam chưa cho phép mở các sàn giao dịch ngoại hối tại Việt Nam, để lấy lòng tin của nhà đầu tư, các đối tượng môi giới quảng cáo rằng sàn Forex có nguồn gốc từ nước ngoài, độ uy tín cao, có các hệ thống kỹ thuật giúp thực hiện giao dịch nhanh chóng, chính xác, được liên kết với các nền tảng giao dịch tiền điện tử lớn trên thế giới, lãi suất cao, khoảng từ 15 – 30%/tháng trên tổng số tiền đầu tư.

– Phương thức hoạt động của các sàn Forex là cho các nhân viên môi giới mời chào lôi kéo, thu hút người chơi qua hình thức chào mời đầu tư qua điện thoại; liên hệ qua mạng xã hội Zalo, Viber, Facebook… Thường ban đầu, họ cho nhà đầu tư đánh thắng để nạp thêm nhiều tiền vào tài khoản, sau đó, tư vấn đánh các lệnh lớn, thu mức phí lớn và không rõ ràng dẫn đến mất hết tiền trong tài khoản của nhà đầu tư. Khi đã thua hết tiền, các đối tượng sẽ giới thiệu nhà đầu tư sang một sàn Forex mới, với cam kết nếu nạp tiền vào sẽ gỡ lại được số tiền đã thua.

– Các sàn Forex được các đối tượng quản trị thiết kế với các chức năng can thiệp vào tài khoản của các khách hàng. Admin có thể tự đặt lệnh vào tài khoản khách hàng, thay đổi số dư tiền trên tài khoản; can thiệp vào quá trình đặt lệnh  như kéo dài độ trễ của lệnh, kéo giãn khoảng giá mua và bán, sau đó lấy hết tiền trong tài khoản nhà đầu tư.

– Việc quảng cáo, kêu gọi đầu tư thông qua các sàn đầu tư tài chính, đặc biệt là hình thức đầu tư thị trường ngoại hối Forex tại Việt Nam có dấu hiệu của việc kinh doanh theo phương thức đa cấp trái phép. Cụ thể, các công ty tài chính, các sàn Forex trái phép này thường lôi kéo người tham gia bằng hình thức trả thưởng, “hoa hồng” cho môi giới sau khi họ mời thêm thành viên; đồng thời, xây dựng hệ thống kinh doanh nhiều cấp, nhiều nhánh.

– Một số sàn lừa đảo nhìn rất giống các sàn quốc tế nhưng thực tế là giả, không liên thông với tỷ giá quốc tế. Người đứng sau quản trị có thể tự điều chỉnh thắng, thua cho nhà đầu tư hoặc sau một thời gian, khi đã chiếm đoạt hết tiền của nhà đầu tư, các đối tượng cầm đầu sẽ đánh sập sàn giao dịch để tránh sự truy vết của cơ quan chức năng và nhà đầu tư không thể đòi lại được tiền.

– Các đối tượng cũng hết sức tinh vi khi đăng ký doanh nghiệp mở sàn ở nước ngoài, không có quá nhiều thông tin được công khai hay thậm chí chỉ là một doanh nghiệp được lập ra làm bình phong cho các chiêu trò lừa đảo.

– Một số sàn còn khẳng định với các nhà đầu tư là không thể mất tiền vì sẽ có bảo hiểm cho số tiền đã bỏ ra. Đó là các chiêu trò lừa gạt vì không một loại hình minh bạch nào có thể đưa ra những cam kết đó.

– Bản chất của việc tham gia sàn Forex là sự tương tác giữa người đầu tư và chủ sàn, diễn ra hoàn toàn trên không gian mạng nên tiềm ẩn rủi ro rất lớn về tài chính cho người tham gia.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẳng định chưa cấp phép cho bất cứ tổ chức, cá nhân nào kinh doanh hình thức sàn giao dịch vàng, ngoại hối. Do đó, mọi hình thức tổ chức kinh doanh, giao dịch tại sàn Forex sẽ được xử lý theo quy định của pháp luật. Theo pháp luật hiện hành, những người tham gia giao dịch là vi phạm pháp luật về hoạt động ngoại hối và không được pháp luật bảo vệ khi có tranh chấp, xung đột xảy ra. Với hoạt động Forex, những người tham gia đầu tư trái phép còn có thể bị phạt hành chính từ 10 – 30 triệu đồng về hành vi mua, bán ngoại tệ giữa cá nhân với nhau hoặc mua, bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ theo Điều 23 Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 của Chính phủ. Tại khoản 8 Điều 23 Nghị định số 88/2019/NĐ-CP cũng quy định hành vi môi giới ngoại hối khi không được cấp thẩm quyền cấp giấy phép thì bị phạt hành chính từ 200 – 250 triệu đồng.

Bên cạnh đó, việc xử lý các sàn Forex trái phép vẫn còn nhiều khó khăn như việc thu thập bằng chứng, tài liệu chứng minh hậu quả, tìm người trong cuộc trực tiếp lên tiếng, tố cáo… Việc truy vết để tìm ra kẻ cầm đầu, sáng lập đường dây cũng không hề đơn giản, những đối tượng là chủ sàn, nhưng khi sàn sập vẫn phủi tay nói rằng họ chỉ là người tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm…

Một số khuyến nghị

Đối với các cơ quan chức năng:

– Ngân hàng Nhà nước tăng cường hơn nữa kiểm soát trung gian thanh toán, dòng tiền chảy vào các sàn Forex trái phép; đồng thời, đưa ra những hướng dẫn cụ thể, thống nhất về chế tài xử lý nhằm ngăn chặn triệt để sự nở rộ của sàn Forex trái phép. Các ngân hàng thương mại cần có các hình thức tư vấn, hướng dẫn với khách hàng những vấn đề kẻ gian hay lợi dụng để việc thanh toán không đảm bảo an toàn.

– Các cơ quan chức năng: (i) Cần thường xuyên cảnh báo cho người sử dụng. Những giao dịch thông qua các ngân hàng, tổ chức trung gian thì việc phát hiện có hợp pháp hay không sẽ không khó. Tuy nhiên, những giao dịch chỉ thông qua hệ thống công nghệ hiện nay không hợp pháp sẽ khó được cơ quan chức năng phát hiện, xem xét, xử lý; (ii) Tăng cường tuyên tuyền để người dân không tham gia vào hoạt động kinh doanh trá hình, đa cấp…

– Chính phủ giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ, ban, ngành liên quan nghiên cứu đầy đủ về luật đầu tư kinh doanh sàn Forex; từng bước đưa vào Việt Nam để kiểm soát.

Đối với người tổ chức, cá nhân:

Theo các chuyên gia, người dân nên hết sức thận trọng đối với những lời mời chào lãi suất, lợi nhuận cao, có dấu hiệu không minh bạch, không được pháp luật cho phép. Người dân, nhà đầu tư trước khi đầu tư có thể tham khảo, tư vấn thêm các cơ quan chức năng, ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng.

Công an Thành phố Hà Nội cũng khuyến cáo người dân, việc sở hữu, mua bán, sử dụng các loại tiền ảo làm phương tiện thanh toán tại Việt Nam là bất hợp pháp, do đó tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho người dân khi thực hiện đầu tư bằng hình thức tiền ảo. Đặc biệt, tuyệt đối không chuyển tiền, tham gia các hội nhóm liên quan đến sàn giao dịch tiền ảo, Forex của các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước để tránh bị các đối tượng xấu lợi dụng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt hại về tài sản cho người tham gia.
 
Tài liệu tham khảo

1. Cổng thông tin điện tử Công an Thành phố Hà Nội, congan.hanoi.gov.vn. 

2. https://kienthucforex.com/forex-la-gi/

3. Pháp lệnh Ngoại hối số 28/2005/PL-UBTVQH11 ngày 13/12/2005 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Pháp lệnh số 06/2013/PL-UBTVQH13 ngày 18/3/2013 Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối.

4. Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.

5. Thông tư số 20/2011/TT-NHNN ngày 29/8/2011 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định việc mua, bán ngoại tệ tiền mặt của cá nhân với tổ chức tín dụng được phép.

6. Luật  Xử lý vi phạm hành chính số 15/2012/QH13 được Quốc hội ban hành ngày 20/6/2012.

 

Minh Tâm (NHNN)
 
 
 
 

You may also like

Để lại bình luận